KHI NÀO TRUNG HOA SỤP ĐỔ? (Bài viết nhiều kỳ) - Phần 5: Thông cáo Thượng Hải và những hệ lụy đến những con cờ Liên Xô, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia.

Cuộc gặp lịch sử của Mao và Nixon lúc 23:00, 21 tháng 02 năm 1972 làm thay đổi trật tự toàn cầu

Bài đọc liên quan:
Diễn tiến của lần thứ hai của Kissinger được Jon Holliday và Jung Chang tiếp tục mô tả một cách hóm hĩnh như sau:
Sau chuyến Kissinger bí mật đi Bắc Kinh, tin Nixon sẽ thăm Trung Hoa được công khai trước toàn thế giới. Tháng 10/1971, Kissinger đến Bắc Kinh lần thứ hai để thu xếp cho chuyến đi của Tổng thống. Đó chính là lúc Liên Hợp Quốc mỗi năm một lần thảo luận vấn đề chiếc ghế ở Liên Hợp Quốc của Trung Hoa. Mỹ là nước chính bảo vệ Đài Loan; bây giờ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Kissinger đang ở Bắc Kinh, điều đó chẳng khác gì bật đèn xanh cho Trung Hoa. Ngày 25/10/1971, Trung Hoa gia nhập Liên Hợp Quốc, thay Đài Loan tiếp quản quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Lúc đó vụ Lâm Bưu đào thoát vừa xảy ra được một tháng, Lâm Bưu là Phó Chủ Tịch Đảng Cộng sản Trung Hoa Nguyên soái Lâm Bưu định đảo chính lật Mao nhưng bất thành, ngày 13/9/1971 cùng vợ con lên máy bay trốn ra nước ngoài, chết vì máy bay rơi trên đất Mông Cổ. Mao Trạch Đông còn đang chìm ngập trong nỗi chán nản thất vọng. Hai sự việc lớn – Trung Hoa vào Liên Hợp Quốc và Nixon đến Bắc kinh đã xua tan đám mây mù, làm cho tâm trạng của Mao phấn khởi hẳn. Ông cười cười nói nói với các cán bộ ngoại giao xúm xít xung quanh mình, hứng chí nói liền một mạch gần ba tiếng đồng hồ. Ông cầm lấy bảng kết quả biểu quyết đề án của Liên Hợp Quốc, vừa chỉ tay vào bảng vừa nói: “Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Canada, Ý, tất cả đều làm Hồng vệ binh….”
Mao lập tức chỉ thị cho phái đoàn đi Liên Hợp Quốc phải tiếp tục lên án Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù số một: “Phải thể hiện quan điểm lập trường rõ ràng”, “Phải chỉ tên vạch mặt chúng, không làm thế không được”. Đã đến ngày [Mao] bước lên diễn đàn thế giới với tư thế lãnh tụ chống Mỹ rồi đây.
Còn những gì xảy ra khi Nixon đến cũng được Jon Holliday và Jung Chang mô tả rất chi tiết:
Chín ngày trước hôm Nixon đến, Mao bỗng nhiên bị đột quỵ, suýt nữa thì chết. Nixon sắp tới rồi, tin này đem lại sự kích động tinh thần giúp Mao phục hồi nhanh chóng. Hồi ấy ông đang bị phù nề, phải may quần áo mới và sắm giày mới. Chỗ ngủ của ông có rất nhiều thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Mao nằm trong phòng khách lớn của hội trường ở phía trên bể bơi. Phải tiếp Nixon ở chỗ này. Các thiết bị y tế được dọn vào một góc đại sảnh, dùng bình phong che khuất cả thiết bị lẫn giường nằm. Bốn phía đại sảnh được vây bởi các giá sách, trên xếp đầy sách cổ, khiến người Mỹ không ngớt trầm trồ về học thức của Mao.
Buổi sáng hôm Nixon đến đây, Mao rất sốt ruột luôn hỏi xem bây giờ Tổng thống Mỹ đã đi tới chỗ nào rồi. Nghe nói Nixon trọ ở nhà khách Điếu Ngư Đài, Mao lập tức đòi gặp khách, không muốn chờ đợi. Lúc ấy Nixon đang chuẩn bị đi tắm. Kissinger kể là Chu Ân Lai “có chút nóng ruột” dục ông ta đi ngay.
Trong buổi hội kiến kéo dài 65 phút ấy, Nixon cố bàn bạc với Mao các chuyện thế giới đại sự nhưng Mao lại lái đề tài nói sang chuyện khác. Ông không muốn để người Mỹ nắm dao đằng chuôi.
Vì để kiểm soát chặt chẽ biên bản ghi chép cuộc hội đàm này, phía Trung Hoa từ chối sự có mặt của phiên dịch viên phía Mỹ. Trước yêu cầu trái với thông lệ ngoại giao ấy, Nixon đã chấp nhận mà không có ý kiến gì. Khi Tổng thống Mỹ đề nghị bàn về những chuyện lớn hiện nay như “Đài Loan, Việt Nam, Triều Tiên”, Mao chẳng thèm quan tâm nói: “Các vấn đề ấy không phải là vấn đề bàn ở chỗ tôi, mà nên bàn với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tôi không muốn quản những chuyện rắc rối ấy.”
Khi Nixon tiếp tục bàn bạc theo mạch suy nghĩ của mình “Phải chăng tôi có thể kiến nghị ngài bớt nghe báo cáo?”, “(Chúng ta) hãy tìm lấy một điểm chung để xây dựng một cơ cấu thế giới”… Mao chẳng trả lời mà ngoái đầu hỏi Chu Ân Lai: “Mấy giờ rồi?”, tiếp đó nói: “(Chúng ta) phét lác đến đây có lẽ cũng tàm tạm đủ rồi đấy nhỉ?”
Mao đặc biệt chú ý không nói những lời khen ngợi Nixon. Hai vị khách Mỹ thì hăng hái phỉnh nịnh ông ta, chẳng hạn Nixon nói: “Các trước tác của Chủ tịch đã thúc đẩy cả một dân tộc, đã làm thay đổi thế giới.” Chỉ có một lần Mao lấy tư thế kẻ cả nói một câu tốt về Nixon: “Cuốn Sáu cuộc khủng hoảng (Six Crises) của ngài viết khá đấy.”
Nixon lại nói: “Tôi có đọc thi từ và các bài viết của Chủ tịch, tôi biết Chủ tịch là một nhà triết học.” Mao phớt lờ, chuyển đề tài sang Kissinger.
Mao: Ông ấy [ý nói Kissinger] chẳng phải là tiến sĩ triết học đấy ư?
Nixon: Ông ấy là tiến sĩ đại não.
Mao: Thế nào? Hôm nay bảo ông ấy làm diễn giả chính có được không?
Khi Nixon nói, Mao ngắt lời: “Hai chúng ta chẳng thể độc diễn toàn bộ vở kịch này được đâu, không cho tiến sĩ Kissinger phát biểu thì không ổn.”
Đến khi Kissinger tham gia bàn bạc thì Mao lại tỏ ra không thực sự muốn nghe ý kiến của ông ta, mà nói những câu vớ vẩn với Kissinger, đại để như bảo “dùng các cô gái xinh đẹp để bao che mình”.[24]
Cuối cùng Thông cáo Thượng Hải như một quả bóng bàn được Mỹ trao cho Trung Hoa cũng được ký kết. Có rất nhiều tài liệu viết về Thông cáo Thượng Hải sau chuyến đi của Nixon đến Trung Hoa, nhưng rõ ràng từng chi tiết nhỏ nhặt đến to lớn làm thay đổi cục diện thế giới là cuốn sách “Mao: The unknow story” của 2 tác giả Jon Holliday và Jung Chang[24], Kho lưu trữ lịch sử của chính phủ Hoa Kỳ[27], và Những trang bạch hóa của Nixon năm 1972[28] mà tôi lấy nguyên bảng gốc ra đây về Thông cáo Thượng Hải gồm các vấn đề chính sau:
1. Vấn đề món quà của Hoa Kỳ cho Trung Hoa: Có 2 món quà lớn Nixon trao cho Mao
• Trung Hoa sẽ được gia nhập nhóm 5 quốc gia quyết định toàn cầu - Hội đồng thường trực bảo an Liên Hiệp Quốc - ngay lập tức để thế chỗ của Đài Loan lâu nay đang là đại diện sau chiến tranh thế giới thứ II. Ngay sau đó, Nixon đi Nhật để đàm phán về giải quyết căng thẳng với Trung Hoa. Và Trung Hoa được món quà to lớn này vào ngày 25 tháng 10 năm 1971 Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về "vấn đề khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc". Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do vậy thay thế quyền đại biểu tại Liên Hiệp Quốc, mà nguyên thuộc chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Kính Quốc – con trai của Tưởng Giới Thạch - đang là tổng thống Đài Loan. Nghị quyết này ảnh hưởng đến địa vị của chính phủ hai bờ eo biển Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc, là cơ sở cho chủ trương "một Trung Hoa" của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc này được hiện thực trước khi Nixon thăm Trung Hoa vào ngày 21 đến 28 tháng 02 năm 1972 và trong khi Kissinger đang thăm Trung Hoa lần thứ 2 cho việc tiền trạm.
• Trung Hoa sẽ được Mỹ cung cấp những thông tin tình báo về Liên Xô, đặt biệt hình ảnh bố trí quân đội Liên Xô qua vệ tinh ở vùng biên giới Xô-Trung.
2. Vấn đề Đài Loan: Đây là vấn đề quan trọng cản trở việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ. Có sự khác biệt quan điểm giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Đây là sự thể hiện tài năng của các nhà soạn thảo văn bảng phía Hoa Kỳ, mà nhiều người cứ nghĩ rằng Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan, nhưng không phải vậy. Vì Thông cáo Thượng Hải sau này được họp và bổ sung lại 2 lần nữa chủ yếu vấn đề Đài Loan. Lần thứ 2 vào ngày 01 tháng 01 năm 1979 với cái tên là: Thông cáo chung về việc thiết lập những quan hệ ngoại giao(the Joint Communiqué on the Establishment of Diplomatic Relations). Thông cáo thứ ba và cuối cùng (ngày 17 tháng 8 năm 1982), còn được gọi là thông cáo ngày 17 tháng 8, khẳng định lại mong muốn của cả hai bên để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Cả hai bên cũng khẳng định lại những tuyên bố về vấn đề Đài Loan trong thông cáo trước đó. Mặc dù không có kết luận chắc chắn nào được đưa ra về vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, Hoa Kỳ đã tuyên bố ý định giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Sau đó, Hoa Kỳ đơn phương bổ sung cho hiệp thông thứ ba bằng cách áp dụng cái gọi là "Sáu bảo đảm" – Six Assurances - cho Đài Loan. Còn lần thứ nhất này thì quan điểm 2 bên như sau:
• Về phía Trung Hoa: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Hoa; Đài Loan là một tỉnh của Trung Hoa từ lâu đã trở về quê hương; Giải phóng Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Hoa, trong đó không có quốc gia nào khác có quyền can thiệp; và tất cả các lực lượng và cài đặt quân sự của Hoa Kỳ phải được rút khỏi Đài Loan. Chính phủ Trung Hoa kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động nào nhằm tạo ra “một Trung Hoa, một Đài Loan”, “một Trung Hoa, hai chính phủ,” “hai Trung Hoa”, và “Đài Loan độc lập” hoặc ủng hộ rằng tình trạng của Đài Loan vẫn còn tồn tại một cách xác định."
• Về phía Hoa Kỳ: Hoa Kỳ thừa nhận rằng tất cả người Trung Hoa ở hai bên eo biển Đài Loan vẫn duy trì nhưng chỉ có một Trung Hoa và Đài Loan là một phần của Trung Hoa. Chính phủ Hoa Kỳ không phản bác thái độ đó. Hoa Kỳ khẳng định sự quan tâm của mình đối với việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Đài Loan là của chính người Trung Hoa. Với triển vọng này, Hoa Kỳ khẳng định mục tiêu cuối cùng là rút toàn bộ lực lượng và các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ khỏi Đài Loan. Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ giảm dần lực lượng và các cơ sở quân sự của mình trên Đài Loan khi căng thẳng trong khu vực giảm theo.[28]
• Sáu điểm bảo đảm Đài Loan của đơn phương về phía Hoa Kỳ: Sáu bảo đảm là sáu nguyên tắc chính sách đối ngoại quan trọng của Hoa Kỳ thời tổng thống Ronald Reagan liên quan đến quan hệ Đài Loan của Hoa Kỳ. Nó đã được thông qua như là sự làm rõ về mặt đơn phương của Hoa Kỳ cho Tuyên bố thứ ba giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 17 tháng 8 năm 1982. Nó nhằm dự định trấn an cả Đài Loan và Quốc hội Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan ngay cả khi trước đó đã cắt giảm quan hệ ngoại giao chính thức.
Các đảm bảo ban đầu được đề xuất bởi chính phủ Kuomintang (Đảng Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan – Chinese Nationalist Party. Khi đó về vấn đề Đài Loan trong các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu bị Trung Hoa lấn tới. Chính quyền Hoa Kỳ Reagan đã đồng ý với các đảm bảo và thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ về Sáu Đảm bảo vào tháng 7 năm 1982 trước khi đàm phán lần 3 với Trung Hoa đại lục.
Ngày nay, Six Assurances là một phần của hướng dẫn bán chính thức được sử dụng trong việc tiến hành quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Các đảm bảo nói chung đã được tái khẳng định bởi các chính quyền Hoa Kỳ kế tiếp. Trước năm 2016, sáu đảm bảo hoàn toàn không chính thức, nhưng năm 2016, nội dung chính thức của nó đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua trong một nghị quyết không ràng buộc, nâng cấp trạng thái của nó thành chính thức nhưng không thể thi hành trực tiếp
Sáu điểm này gồm:[29]
- Hoa Kỳ sẽ không ấn định ngày chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan;
- Hoa Kỳ sẽ không thay đổi các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan;
- Hoa Kỳ sẽ không tham khảo ý kiến trước với Trung Hoa trước khi đưa ra quyết định về việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan;
- Hoa Kỳ sẽ không làm trung gian giữa Đài Loan và Trung Hoa;
- Hoa Kỳ sẽ không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền của Đài Loan, đó là vấn đề của người Trung Hoa tự quyết định một cách hòa bình, và Hoa Kỳ sẽ không gây áp lực cho Đài Loan tham gia đàm phán với Trung Hoa; và
- Hoa Kỳ sẽ không chính thức công nhận chủ quyền của Trung Hoa lục địa đối với Đài Loan.
Có lẽ, trong các đời tổng thống Hoa Kỳ từ sau chiến tranh thế giới II, Ronald Reagan là người thấm thía nỗi đau khổ của các dân tộc bị áp bức do chủ nghĩa Marx-Lenin và làm việc hiệu quả nhất để giúp họ thoát khỏi gông cùm chế độ độc tài khi ông đưa ra chiến lược chiến tranh trên các vì sao - Star War – thúc đẩy nhanh sự thành công chiến lược của Zbigniew Brzezinski làm Liên Xô sụp đổ năm 1991. Đồng thời giúp thuyền nhân người Việt trong những thập niên 1970s và 1980s sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Với Đài Loan, cũng chính quyền ông Reagan làm ra 6 đảm bảo này cho Đài Loan để quốc hội thời ông Trump thông qua, nên vừa rồi Hoa Kỳ đã bán vũ khí cho Đài Loan để người dân Trung Hoa Dân Quốc tự bảo vệ mình.[30][31]
3. Vấn đề Đông Dương và Việt Nam:[24] Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam dù có đạt được kết quả trên bàn thương thuyêt hay không. Hoa Kỳ hứa sẽ không đem quân quay trở lại Việt Nam. Sợ rằng Mao Trạch Đông không hiểu, Kissinger còn nói thêm rõ ràng là: “Khi đó Hoa Kỳ sẽ cách xa Hà Nội 10.000 dặm, trong khi Hà Nội thì vẫn ở gần ngay đó!”- We will be 10,000 miles away and Hanoi will be stay there!. Khi bị Chu Ân Lai vặn hỏi về những hứa hẹn này, Kissinger hứa chắc là Hoa Kỳ sẽ không đòi hỏi Trung Hoa giảm viện trợ cho Bắc Việt, và cũng không yêu cầu Trung Hoa giảm giọng điệu chửi Mỹ trên trường quốc tế.
Như vậy đã rõ những gì sau đó như Hoa Kỳ ép Nam Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán 3 bên tại Hiệp Định Paris vào ngày 27 tháng 01 năm 1973. Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam theo các con số lính Mỹ cao nhất thời ông Lyndon Johnson là 550.000 quân vào năm 1968, năm 1969 còn 543.000, năm 1970 còn 340.000, con số này chỉ còn 177.000 quân năm 1971 và chỉ 25.000 quân Mỹ tại Nam Việt Nam vào năm 1972![13] Với học thuyết Nixon Việt Nam hóa chiến tranh, ông ta đã thực hiện đúng chiến lược của Zbigniew Brzezinski bằng ngoại giao bóng bàn, bàn giao Đông Dương cho Trung Hoa.
Chính vì thế, ngày 19 tháng 01 năm 1974 Trung Hoa đã xua tàu chiến chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Nam Việt Nam, mà hạm đội 7 của Hoa Kỳ đang ở gần đó nhưng không cứu trợ. Bắc Việt thì lại nói “nhờ bạn giữ dùm”. Hệ lụy và di sản của Thông cáo Thượng Hải bây giờ vẫn còn để lại một vết thương sâu không thể lành miệng, và Việt Nam-Trung Hoa không thể nào như 16 chữ vàng mà 2 quốc gia này đã diễn trên bình diện ngoại giao.
4. Các vấn đề khác:[24][27][28] gồm:
• Hoa Kỳ sẽ rút hết quân đội khỏi Indonesia trong vòng 12 tháng.
• Hoa Kỳ sẽ rút quân từ từ ra khỏi Nam Hàn mà không cần điều kiện Trung Hoa phải hứa hẹn không giúp Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn.
• Vấn đề chung quan hệ giữa Mỹ và Trung Hoa và quan điểm về địa chính trị; quyền tự quyết của mỗi quốc gia phải được tôn trọng; không quốc gia nào được phép làm bá chủ Thái Bình Dương; sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa là nhằm giúp thế giới còn lại được hòa bình và ổn định đã được thông qua.
5. Hoa Kỳ được gì? Với tất cả những điều trên phía Hoa Kỳ chỉ có một sự đổi chát duy nhất là Trung Hoa chỉ cần bắt tay với Hoa Kỳ cô lập Liên Xô và chống lại Liên Xô.
Rõ ràng Hoa Kỳ thực hiện đúng tư tưởng của George Washington: “Không có đồng minh vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng.”
Nhìn lại lịch sử giai đoạn này để thấy hôm nay các thế hệ người Việt Nam dù ở đâu cũng cần đặt lòng yêu nước, yêu dân tộc đúng đắn. Hôm qua anh là người có công lao cho đất nước và dân tộc, nhưng hôm nay không có nghĩa là anh có được cái ấy khi mà anh đã tha hóa, tham nhũng quyền lực bỏ quên nhiệm vụ của một công dân với tổ quốc và dân tộc.
Còn tiếp kỳ 6: Chiến lược đập đầu Trung Hoa bằng kinh tế và thương mại của Peter Navarro
TÀI LIỆU THAM KHẢO(tt)
24. Jon Halliday, Jung Chang. Mao: The unknow story. Publisher: Anchor, November 14, 2006, c.54
25. Zhisui Li. Mao Trạch Đông, cuộc đời chính trị và tình dục. c23
26. Margaret MacMillan. Nixon and Mao: The Week That Changed the World. Publisher: Random House Trade; March 11, 2008
27. BS Hồ Hải, Barry Eichengreen. Quay về hệ thống Bretton Woods. Bshohai1.blogspot.com. Tuesday, April 12, 2011
28. 203. Joint Statement Following Discussions With Leaders of the People’s Republic of China. Office of The Historian – Department of State. P.812 – 816.
29. Public Papers: Nixon, 1972, pp. 376–379. Commonly known as the Shanghai Communiqué
30. H.Con.Res.88 - Reaffirming the Taiwan Relations Act and the Six Assurances as the cornerstone of United States-Taiwan relations". October 28, 2015. Retrieved April 22, 2016.
31. Trọng Thuấn. Bán vũ khí cho Đài Loan ở mức kỷ lục, Mỹ cứng rắn chưa từng có với TQ. Zing News, 18/8/2019
32. Hoài Linh. Mỹ lại chọc giận TQ bán them nhiều vũ khí cho Đài Loan. Vietnamnet, 21/5/2020
Tư Gia, 12:32, 04 jun, 2020

Đăng nhận xét

2 Nhận xét

  1. Con đang tìm hiểu và cố gắng để hiểu nhiều hơn về lịch sử trong gia đoạn này, và tới đây, con suy nghĩ, Mỹ chỉ cần kéo Tàu về để cô lập Liên Xô, làm LX sụp đổ mà đưa bao cái lợi cho Tàu, quả thật một cái giá quá hời, như trong bài khác Bác viết Mao cảm thấy có thể giành được từ Nixon thứ Mao muốn mà không cần trả giá, nó làm con thấy khập khiễng, hơi phi lý.
    Con cảm ơn Bác đã chia sẻ bài viết.

    Trả lờiXóa
  2. Và sức ảnh hưởng, quyền lực của Mỹ bấy giờ muốn làm gì làm được hết ở Liên hợp Quốc thật phải suy nghĩ. Wow

    Trả lờiXóa