KHI NÀO TRUNG HOA SỤP ĐỔ?(Bài viết nhiều kỳ) Phần 4: Tiền trạm cuộc gặp Nixon-Mao 1.0: Ngoại giao bóng bàn và các con cờ Liên Xô, Đài Loan, Việt Nam, Trung Đông.

Chu Ân Lai tiếp Henry Kissinger trong chuyến đi tiền trạm bí mật bàn thảo cuộc cờ chính trị toàn cầu.

Bài đọc liên quan:
Có lẽ không ai quên lần gặp gần đây giữa Barack Obama và Tập Cận Bình vào ngày 07 tháng 6 năm 2013 tại điền trang Sunnyland, California mà truyền thông quốc tế đặt cái tên rất công nghệ thông tin là: “Nixon-Mao 2.0”[23]. Tức có nghĩa là, cuộc gặp giữa Nixon và Mao trong 8 ngày từ 21 đến 28 tháng 02 năm 1972 là Nixon-Mao 1.0, là một dấu ấn lịch sử trọng đại nhất, nhiều tình tiết ly kỳ nhất trong lịch sử ngành ngoại giao quốc tế nói chung, và của Hoa Kỳ và Trung Hoa nói riêng. Đã thế, Nixon-Mao 1.0 còn có một cái tên khác đầy tình tiết và ý nghĩa cả về sự cao thâm trong ngoại giao: “Ngoại giao bóng bàn”. Nó còn để lại bao nhiêu tàn tích, di sản cho nhân loại có cả hai mặt hạnh phúc và khổ đau.
Tại sao gọi là ngoại giao bóng bàn? Ở đây ý sâu xa nhất là Mỹ thỏa hiệp với Trung Hoa và đưa bóng cho Trung Hoa tha hồ xử lý. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong cuộc đi tiền trạm của Henry Kissinger. Ngược lại với ngoại giao bóng bàn là “Ngoại giao bóng rổ” năm 2013 khi Obama gặp Tập. Nó có nghĩa là đã đến lúc Mỹ úp sọt Trung Hoa theo kiểu úp sọt của trò chơi bóng rổ. Và điều này đang được Donald Trump thực hiện bắt đàu bằng chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Sẽ còn những chiêu bài gì diễn ra chưa ai biết một chiến lược toàn cầu của một siêu cường với những bộ óc siêu việt.
Câu chuyện ngoại giao bóng bàn ban đầu là một câu chuyện tình cờ. Sau đây là một phần bản dịch chương 54 của cuốn sách: “Mao: The unknow story” của 2 tác giả Jon Holliday và Jung Chang:
“Ngày 21/3/1971, đội bóng bàn Trung Quốc đến Nhật dự thi đấu Cúp Bóng bàn thế giới. Đây là một trong số các đoàn thể thao đầu tiên của Trung Quốc ra nước ngoài kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa, do đích thân Mao phê chuẩn. Để tránh mang tiếng ly kỳ, các cầu thủ được đặc biệt cho phép không mang theo Sách Đỏ [sách Trích lời Mao]. Nhưng họ nhận được quy định nghiêm khắc: không được bắt tay cầu thủ Mỹ, không được chủ động bắt chuyện với người Mỹ.
Ngày 04/4/1971 cầu thủ Mỹ Glenn Cowan tình cờ lên chiếc xe ca của đội tuyển bóng bàn Trung Quốc. Nhà vô địch bóng bàn thế giới Trang Tác Đông thấy các cầu thủ đội nhà ai nấy đều nhìn người Mỹ kia bằng ánh mắt lo lắng, nghi ngờ, lạnh nhạt. Không một người Trung Quốc nào trên xe bắt chuyện với anh ta. Thấy thế Trang Tác Đông bèn bước tới nói chuyện vài câu với Cowan. Bức ảnh hai cầu thủ Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau sau khi được đăng báo đã trở thành tin tức trang nhất của các báo Nhật.
Khi cô hộ lý kiêm giúp việc của Mao Trạch Đông là Ngô Húc Quân đọc cho ông nghe mẩu tin ấy đăng trên tờ “Tin tham khảo”, Mao sáng mắt lên, mỉm cười khen: “Cái cậu Trang Tác Đông này chẳng những đánh bóng bàn giỏi mà lại còn biết làm ngoại giao nữa.”
Đội bóng bàn Mỹ tỏ ý muốn đến thăm Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc căn cứ theo chính sách, quyết định không gửi lời mời. Mao duyệt bản báo cáo ấy của Bộ Ngoại giao.
Nhưng sau đó ông không bằng lòng với quyết định của mình, suốt ngày băn khoăn suy nghĩ. Hơn 11 giờ đêm hôm ấy Mao uống thuốc ngủ xong ngồi ăn cơm với Ngô Húc Quân. Ông có thói quen ăn cùng một hoặc hai nhân viên hầu cận. Uống thuốc rồi mới ăn, ăn xong đi nằm. Loại thuốc ngủ của Mao rất nặng, có hôm đang ăn cơm thì thuốc đã tác dụng, khiến ông gục đầu xuống bàn. Mấy người phục vụ phải móc hết cơm và thức ăn chưa nuốt trong miệng ông ra. Vì thế các bữa tối của Mao đều không có món cá, sợ xương cá gây hóc.
Ngô Húc Quân nhớ lại: Bữa tối hôm ấy do tác dụng của thuốc an thần, Chủ tịch đã buồn ngủ lắm, tay cứ bíu lấy bàn muốn ngủ. Nhưng bỗng nhiên Chủ tịch nói lắp bắp, tôi nghe mãi mới nghe rõ ông bảo tôi gọi điện cho Vương Hải Dung ở Bộ Ngoại giao. Giọng Chủ tịch trầm trầm mà lời lẽ không rõ ràng: “Mời đội Mỹ đến thăm Trung Quốc.”….[Nói thêm về Vương Hải Dung (Wang Hai-rong), nữ, sinh năm 1938, có họ xa với Mao Trạch Đông. Học tiếng Nga và Anh. Làm việc ở Bộ Ngoại giao TQ. Vụ phó Lễ tân (1971-72), Trợ lý Bộ trưởng (1972-74), Thứ trưởng (1974-79). Sau mất chức vì nghi có liên quan Bè lũ 4 Tên. Từ 1984 là Phó Chủ nhiệm Phòng Tham sự Quốc vụ viện (một cơ quan tư vấn).]
Tôi sững sờ và nghĩ: Làm như thế chẳng phải là ngược với bút phê mà Chủ tịch vừa viết sáng nay đấy sao!….. Bình thường Chủ tịch đã dặn là “Những lời Chủ tịch nói sau khi uống thuốc an thần thì không coi là thật” Bây giờ lời Chủ tịch nói có coi là thật hay không đây? Lúc ấy tôi rất khó xử…….
Lát sau Chủ tịch ngẩng đầu lên, cố gắng mở mắt và bảo tôi: “Tiểu Ngô, cháu còn ngồi đấy ăn cơm à, việc bác bảo cháu làm sao cháu không đi làm hả?”.
Bình thường Chủ tịch đều gọi tôi là “Hộ lý trưởng”, chỉ khi nói chuyện công tác hoặc khi rất nghiêm túc mới gọi là “Tiểu Ngô”.
Thế rồi Chủ tịch cứ câu được câu chăng, ngắt quãng, dề dà ấp úng nhắc lại một lượt câu nói lúc nãy….
“Bác đã uống thuốc an thần rồi mà. Lời bác nói bây giờ có coi là thật hay không đấy ạ?” Tôi vội hỏi.
Chủ tịch phẩy tay về phía tôi: “Là thật đấy! Mau đi làm đi, kẻo không kịp đâu.”
Mao cố gượng thức chờ Ngô Húc Quân làm xong việc ấy rồi mới yên tâm đi ngủ.
Quyết sách này của Mao đã gây ra tác động bùng nổ ở phương Tây. Bao năm qua Trung Quốc và Mỹ đối địch với nhau, nay bỗng dưng Trung Quốc mời một đoàn thể của Mỹ sang thăm, hơn nữa đây lại là một đoàn thể thao, mọi người đều quan tâm.
Sau khi người Mỹ đến Trung Quốc, Chu Ân Lai, con người đầy sức quyến rũ ấy trổ hết tài năng tổ chức nghênh tiếp, làm cho người Mỹ cảm thấy “sự đón tiếp lóa mắt” (lời Kissinger). Báo Mỹ hàng ngày tràn đầy những tin tức phấn khởi kích động. Một nhà bình luận viết: “Nixon ngẩn người nhìn những tin tức ấy nhảy từ trang thể thao lên trang nhất các báo”. Mao đã tạo ra một môi trường mê li quyến rũ Nixon thăm Trung Quốc. Đối với Nixon, đến Trung Quốc trong bầu không khí ấy về chính trị chỉ có trăm điều lợi mà không một điều bất lợi, nhất là năm sau có bầu cử Tổng thống. Hơn nữa, khi tranh cử nhiệm kỳ đầu Nixon đã bóng gió:
"Có những mạo hiểm, vâng, nhưng những mạo hiểm của chờ đợi còn lớn hơn nhiều…nếu Nam Việt Nam mất, Đông Nam Á mất và Thái Bình Dương trở thành Biển đỏ (của Trung Quốc Cộng sản) thì chúng ta có thể đương đầu với 1 cuộc Thế chiến, ở đó những điều rắc rối chống lại chúng ta sẽ lớn hơn nhiều…"[16]
Trong phát biểu nhậm chức, Tổng thống Nixon cho biết:
"Hãy để cho tất cả các nước biết rằng…các đường liên lạc của chúng ta sẽ rộng mở. Chúng ta tìm kiếm 1 Thế giới rộng mở, rộng mở cho cho các suy nghĩ, rộng mở cho sự trao đổi hàng hóa và con người, một Thế giới trong đó không có dân tộc nào, lớn hoặc nhỏ, sẽ phải sống trong sự cô lập giận dữ"[16]
Không bỏ lỡ thời cơ, ngày 21/4/1971 Chu Ân Lai lại một lần nữa mời Nixon thăm Trung Quốc. Ngày 29/4/1971, Nixon lập tức nhận lời. Kissinger nói: “Nixon quả thực phấn khởi tới mức không thể kiềm chế, thậm chí còn định không cử đoàn tiền trạm đi Bắc Kinh trước, e rằng như thế sẽ làm cho chuyến thăm của mình bớt mất ánh hào quang.”
Mao không những câu được Nixon đến Trung Quốc mà còn câu được một món quà gặp mặt vượt quá sức mong đợi. Tháng 7, khi đi tiền trạm đến Trung Quốc, Kissinger có chủ động đề xuất: Nếu năm 1972 Nixon tái đắc cử Tổng thống thì trước tháng 1/1975 Mỹ sẽ thừa nhận Trung Quốc, tiếp thu toàn diện các yêu cầu của Bắc Kinh, hất cẳng Đài Loan. Cho dù Mỹ và Đài Loan có hiệp định phòng thủ chung, Chu Ân Lai khi nói với Kissinger về vấn đề Đài Loan dường như đã coi hòn đảo này đang nằm trong túi Bắc Kinh. Kissinger đành làm một cử chỉ yếu ớt: “Chúng tôi mong vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết một cách hòa bình.” Ông không yêu cầu Chu bảo đảm không sử dụng vũ lực.
Hồ sơ mật về chuyến đi tiền trạm của Kissinger mãi đến năm 2002 mới giải mật. Trước đó trong hồi ký Kissinger viết về vấn đề này có một dòng “Chỉ sơ sơ nói tới vấn đề Đài Loan”. Sau khi hồ sơ được giải mật, khi được hỏi về vấn đề này, ông thừa nhận “Tôi nói như thế là rất không hay, tôi rất ân hận.”
Nixon còn nhắc tới vấn đề giúp Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc ngay. Kissinger nói: “Bây giờ các ngài đã có thể chiếm chiếc ghế Trung Quốc. Tổng thống yêu cầu tôi trước tiên bàn với các ngài vấn đề này, sau đó chúng tôi sẽ quyết định chính sách công khai.”
Quà gặp mặt của Kissinger không chỉ có những món ấy. Ông nêu lên vấn đề sẽ báo cho Trung Quốc biết những nội dung Mỹ đã bàn với Liên Xô. Kissinger nói: “Các ngài muốn biết chúng tôi đã bàn vấn đề nào với Liên Xô thì chúng tôi sẽ cho các ngài biết, đặc biệt là đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.” Mấy tháng sau, Kissinger nói với các sứ giả Trung Quốc: “Chúng tôi cho các ngài biết chúng tôi đã bàn những vấn đề gì với Liên Xô nhưng chúng tôi không cho Liên Xô biết chúng tôi đã bàn với các ngài những vấn đề gì.” Khi nghe nói Mỹ đã cho Trung Quốc biết những tình báo nào, Phó Tổng thống Nelson Rockefeller thực sự “ngạc nhiên đớ người ra”. Một trong những tình báo đó là tình hình quân đội Liên Xô tập kết ở biên giới Trung Quốc.
Về vấn đề Đông Dương, Kissinger có cam kết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là trong vòng 12 tháng rút hết quân đội Mỹ. Thứ hai là từ bỏ chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói: “Khi hòa bình lập lại, chúng tôi sẽ ở cách Đông Dương ngoài 10 nghìn dặm. Hà Nội vẫn ở Việt Nam.” Ý nói Việt Nam sẽ là của Việt Cộng.
Thậm chí Kissinger còn chủ động cam kết trong nhiệm kỳ tới của Nixon sẽ “rút phần lớn cho tới toàn bộ quân đội Mỹ” ra khỏi Nam Triều Tiên. Nhưng ông không nói một chữ nào về vấn đề quân đội các nước cộng sản sẽ tái xâm lược Nam Triều Tiên hay không.
Những món quà gặp mặt ấy không đòi hỏi lại quả. Kissinger nhấn mạnh ông không yêu cầu Trung Quốc ngừng viện trợ Bắc Việt Nam, thậm chí chẳng nói gì tới việc mong muốn chính quyền Mao bớt chửi Mỹ một chút. Từ biên bản hội đàm có thể thấy, Chu Ân Lai luôn dùng khẩu khí đối địch như “Ngài phải trả lời vấn đề này”, “Ngài phải giải đáp vấn đề kia”, “Sự áp bức của các ngài, sự lật đổ của các ngài, sự can thiệp của các ngài”. Kissinger chẳng những không bào chữa cho Mỹ mà còn tiếp thu cái logic nực cười của Chu Ân Lai khi ông này nói vì Trung Quốc là nước cộng sản nên sẽ không xâm lược nước khác.”[24]
Ngày đàm phán đầu tiên kết thúc, Mao nghe báo cáo, tâm lý tự đại của ông ta lập tức căng phồng lên. Mao huyên thuyên nói với các cán bộ ngoại giao rằng Mỹ là “Đồ khỉ biến thành người mà chưa biến được, lại còn giữ cái đuôi của mình”, “Nó không còn là khỉ nữa, mà là vượn, đuôi không dài”, “Đó là tiến hóa mà!” Còn Chu Ân Lai thì diễn tả Nixon “trang điểm phấn son đến nhà người ta”. Mao thấy mình có thể giành được từ Nixon những thứ mình muốn mà không cần trả giá, vừa chẳng phải giảm mức độ chuyên chế bạo tàn mà cũng không phải hạ thấp giọng điệu chống Mỹ.
Nội dung của buổi nói chuyện đã được viết lại đầy đủ trong nhật ký của Tổng Thống Nixon. Ðiểm đáng nhớ duy nhất là việc Mao thông báo cho Tổng Thống Hoa Kỳ biết, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã cải thiện nhưng báo chí Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phê bình Hoa Kỳ, và báo chí Hoa Kỳ cũng nên tiếp tục phê binh Trung Quốc. Việc thay đổi quan hệ, dù tốt, theo Mao, cũng cần phải có thời gian..[25][28]
Tại cuộc gặp Nixon-Mao 1.0 hai nhà lãnh đạo đã ra một bảng Thông cáo Thượng Hải – Shanghai Communiqués – nó đã được gọi là “Nixon và Mao một tuần mà làm thay đổi thế giới”[26].
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới đã bắt đầu thay đổi. 25 năm sau chiến tranh thế giới II, được sự bảo trợ của Hoa Kỳ về an ninh khu vực Tây Âu qua Khối Bắc Đại Tây Dương – NATO, và khu vực Đông Á, nên Tây Đức và Nhật có thị trường thế giới chiếm 25%. Năm 1970, hai nước này yêu cầu Hoa Kỳ phải xóa bỏ bản vị vàng theo Hiệp định Bretton Woods[27] ký kết vào cuối năm 1944.
Năm 1971, tổng thống Nixon ký quyết định xóa bản vị vàng. Mất bản vị vàng, Hoa Kỳ phải tìm hệ quy chiếu khác để điều hành kinh tế toàn cầu, tiếp tục làm đại ca toàn cầu. Một lần nữa, chiến lược gia Brzezinski lại ra tay chuyển trục từ Thái Bình Dương sang Trung Đông để nắm yết hầu năng lượng toàn cầu. Từ đó, bắt đầu sự lật đổ nhà độc tài Mohammad Reza Pahlavi thân với Hoa Kỳ và khởi đầu cuộc Cách mạng Iran 1978 cho đến Bão táp sa mạc 1990, rồi cách mạng hoa Nhài 2011 ở Bắc Phi Trung Đông mãi đến giờ này chưa ngưng tiếng súng.
Riêng với Việt Nam thì ai cũng đã rõ, nhưng cụ thể tiến trình sẽ có riêng một phần tóm tắc ngay sau đây.
Còn tiếp, Đón đọc phần 5: Thông cáo Thượng Hải và những hệ lụy đến những con cờ Liên Xô, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO(tt của phần 4)
23. Minghao Zhao. Mao Nixon 2.0. Project Syndicate. Jun 07, 2013
24. Jon Halliday, Jung Chang. Mao: The unknow story. Publisher: Anchor, November 14, 2006, c.54
25. Zhisui Li. Mao Trạch Đông, cuộc đời chính trị và tình dục. c23
26. Margaret MacMillan. Nixon and Mao: The Week That Changed the World. Publisher: Random House Trade; March 11, 2008
27. BS Hồ Hải, Barry Eichengreen. Quay về hệ thống Bretton Woods. Bshohai1.blogspot.com. Tuesday, April 12, 2011
Tư Gia, 12:25, 02nd Jun, 2020

Đăng nhận xét

0 Nhận xét